Với việc đưa sàn giao dịch vận tải
hàng hóa trực tuyến đi vào hoạt động, ngành giao thông vận tải kỳ
vọng sẽ tạo bước đột phá trong lĩnh vực này
Tổng cục Đường bộ Bộ Giao thông Vận tải
đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa sàn giao dịch vận tải
hàng hóa trực tuyến (VTHHTT) đi vào hoạt động từ tháng 10-2015. Việc mở
sàn giao dịch này đang được giới kinh doanh vận tải trông chờ vì sẽ tìm
được nhiều bạn hàng hơn, hạn chế tối đa việc xe tải chạy rỗng.
Kết nối trực tuyến, nhiều cái lợi
Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ
Vận tải - Tổng cục Đường bộ, hiện nay ở Việt Nam, khái niệm về sàn giao
dịch VTHHTT còn khá mới mẻ, chưa đầy đủ, rõ ràng và có cách hiểu khác
nhau.
Vì vậy, nhiều tổ chức, cá nhân, trong
đó có cả doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hàng hóa, ngộ nhận đây
chỉ là trang web thông thường, trên đó chủ hàng có thể đăng tải các
thông tin về nhu cầu vận chuyển (khối lượng hàng hóa, địa điểm, thời
gian, các yêu cầu vận chuyển khác) và các đơn vị vận tải tìm kiếm, thực
hiện việc giao dịch với các chủ hàng. “Cách hiểu như thế là chưa chính
xác và đầy đủ” - ông Bình khẳng định.
Theo ông Bình, sàn giao dịch VTHHTT là
sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các đơn vị vận tải hàng hóa,
nhà cung cấp dịch vụ logistics (giao nhận vận tải) và các khách hàng có
nhu cầu vận chuyển hàng hóa (chủ hàng) đăng thông tin về khả năng cung
cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, hàng hóa cần chuyên chở và tiến hành một
phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
“Các đơn vị vận tải tham gia sàn giao
dịch được kiểm chứng về năng lực, uy tín và các cam kết về vận chuyển
hàng hóa cho chủ hàng. Ngược lại, quyền lợi của họ cũng được sàn giao
dịch bảo đảm” - ông Bình giải thích.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch VTHHTT cũng
sẽ là nơi tạo điều kiện kết nối các phương thức vận tải với nhau, giúp
đơn vị vận tải sử dụng năng lực vận tải 2 chiều, giảm chi phí. Cơ quan
quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn trong việc thực hiện chức năng quản
lý nhà nước, cũng như thực hiện việc tổng hợp, phân tích các dữ liệu có
được từ quá trình hoạt động của sàn giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt
động vận tải hàng hóa; đồng thời công bố công khai những thông tin chung
về hoạt động vận tải hàng hóa, như: luồng tuyến vận chuyển, giá cước
vận chuyển, luồng hàng đi về, khối lượng giao dịch...
“Các đơn vị kinh doanh sàn giao dịch
được nhận một khoản thu nhập nhất định từ những đơn vị vận tải đăng ký
tham gia làm thành viên của sàn, kể cả khi khách hàng đăng nhập tìm kiếm
thông tin hoặc khi thực hiện giao dịch thành công” - ông Bình nhấn
mạnh.
Chuẩn bị kỹ để thí điểm
Để chuẩn bị ra mắt sàn giao dịch
VTHHTT, Tổng cục Đường bộ đã tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm xây
dựng, vận hành mô hình này tại Hồng Kông - Trung Quốc. Song song đó, cục
đã thành lập tổ xây dựng quy chế hoạt động cho sàn giao dịch.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Bộ Giao
thông Vận tải có văn bản gửi các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ
Công Thương, đề nghị tham gia phối hợp xây dựng các quy chế hoạt động
cũng như nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả sàn
giao dịch VTHHTT.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Đường bộ, để chuẩn bị ra mắt sàn giao dịch, Tổng cục
Đường bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tổng cục đã làm việc với Cục Thương
mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương nhằm trao đổi,
thống nhất các nội dung phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp
luật quản lý, như: xây dựng các website điện tử cho chủ hàng, tài xế;
công tác tổ chức đấu thầu khối lượng hàng lớn trên mạng cho chủ hàng,
tài xế, đơn vị có nhu cầu vận chuyển; các dịch vụ cung ứng cho chủ hàng,
tài xế; mô hình sàn giao dịch trực tuyến hay ảo; mô hình trao đổi thông
tin; các loại phí và cách thu phí dịch vụ…
Ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh: “ Sau
thời gian hoạt động thí điểm, chúng tôi sẽ có đánh giá, trên cơ sở đó đề
xuất cụ thể hơn về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành
nhằm tạo cơ chế, chính sách để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả hơn”.
|