Thông tin trên được nêu ra tại hội nghị Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, lợi ích và thực thi do Trung tâm WTO TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/3.
Ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan của TFA sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với một nước tăng trưởng dựa trên xuất khẩu như Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có gánh nặng tuân thủ lớn về các quy định hành chính cấp phép, xác nhận chuyên ngành và quản lý biên mậu. Trong đó việc chuẩn bị các giấy tờ cấp phép chiếm 57%, kiểm tra và thông quan chiếm 19%, vận chuyển, xếp dỡ tại cảng chiếm 14% và vận chuyển xếp dỡ nội địa chiếm 10%. Ngoài ra, các DN phải thực hiện các biện pháp và thủ tục chuyên ngành như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, các biện pháp xuất khẩu, kiểm tra chất lượng, quy tắc xuất xứ và chính sách cạnh tranh…
Liên quan đến vấn đề này, ông Âu Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan - cho biết, hiện cơ quan Hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp tạo thuận lợi thương mại liên quan đến thủ tục hải quan như: hoàn thiện, phổ biến, tuyên truyền hệ thống văn bản pháp luật. Áp dụng các thủ tục thông quan đơn giản trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin như: triển khai hệ thống VNACC/VCIS trên toàn quốc; triển khai vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển kết nối Hải quan với kho bạc, ngân hàng; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị hiện đại.
Về đơn giản hóa thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã bãi bỏ 19 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 46 thủ tục, giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và đã cho phép DN nộp toàn hộ hồ sơ điện tử. Bên cạnh đó đã minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, hiện cũng đã có 11 bộ, ngành tham gia với nhiều thủ tục đã được triển khai trên hệ thống một cửa. Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai chương trình DN ưu tiên và thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Về hồ sơ hải quan đã giảm yêu cầu chứng từ đối với hàng hóa XNK. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo thuận lợi thương mại thông qua việc phối hợp kiểm tra tại cửa khẩu trong kiểm tra chuyên ngành, sử dụng mã vạch trong giám sát hải quan, giảm thời gian thực hiện thủ tục hải quan, bãi bỏ một số thủ tục về quản lý hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu...
Theo ông Âu Anh Tuấn, để thực thi TFA, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian tới, trách nhiệm của các bộ, ngành là phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30-35% như hiện nay xuống còn 15%; chuyển thời điểm trước thông quan sang sau thông quan (trừ kiểm dịch); Điện tử hóa các thủ tục kiểm tra thông quan cơ chế một cửa quốc gia.
Về phía cơ quan quản lý hải quan, cùng với việc sửa các văn bản hướng dẫn Luật Hải quan sẽ hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử thông qua việc nâng cấp các tính năng của hệ thống VNACC/VCIS để có thể nộp các chứng từ thông qua hệ thống và giảm tỉ lệ luồng Vàng và luồng Đỏ xuống không quá 30% (hiện nay là 47%) và khắc phục các lỗi liên quan đến hệ thống. Bên cạnh đó, thực hiện trao đổi thông tin về hàng hóa XNK đã làm thủ tục hải quan như thủ tục cấp C/O, thủ tục hoàn thuế, thanh toán ngân hàng, kiểm tra chứng từ lưu thông hợp pháp, thủ tục giao nhận tại cảng biển.