Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2015,
cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng
ký là 601.500 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1%
về số vốn đăng ký so với năm 2014.
Nổi bật, trong năm nay, cả nước có
21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong năm
là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước. Điều này cho thấy
hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và bộ, ngành,
địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ
khu vực doanh nghiệp phát triển.
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng,
tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của
các doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay là 1.471,9 nghìn người,
tăng gần 35% so với năm 2014.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt
động trong năm là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm
trước, bao gồm 15.649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời
hạn và 55.742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp
hoặc không đăng ký.
Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt
động, có 26.349 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 36,9%);
22.889 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 32,1%); 13.081
công ty cổ phần (chiếm 18,3%) và 9.070 doanh nghiệp tư nhân (chiếm
12,7%) và 2 công ty hợp danh.
Lý giải tình hình này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn
Bích Lâm cho biết trong số hơn 71.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì
có đến hơn 55.000 doanh nghiệp ngừng để chờ đóng mã số doanh nghiệp, còn
hơn 15.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động do nảy sinh khó khăn, hoạt động
không hiệu quả.
“Nếu so với số doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp này
chỉ chiếm trên 12% và đây vẫn là con số rất nhỏ so với nhiều nước, thậm
chí là với cả những nước phát triển. Đó là quy luật tất yếu của thị
trường, là chuyện bình thường, bởi khi doanh nghiệp hoạt động không hiệu
quả thì họ đóng cửa, không có gì phải lo ngại cả. Chẳng hạn, số doanh
nghiệp giải thể ở New Zealand chiếm trên 30% số doanh nghiệp đang hoạt
động, ở Anh tỷ lệ này là trên 50%," ông Lâm nói.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong năm 2015, Tổng cục cũng đã
tiến hành điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành
công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kết quả cho thấy về xu hướng kinh doanh, có 42,3% số doanh nghiệp
đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2015 khả quan hơn quý 3;
19,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số doanh nghiệp cho
rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 20,4% số doanh nghiệp có lượng
tồn kho trong quý 4/2015 tăng so với quý trước; 31,3% số doanh nghiệp có
lượng tồn kho giảm và 48,3% doanh nghiệp ổn định.
Về sử dụng lao động quý 4 so với quý 3/2015, có 17,3% doanh nghiệp
khẳng định quy mô lao động tăng lên, 12,7% số doanh nghiệp cho biết giảm
trong khi đến 70% số doanh nghiệp công bố là ổn định.
|