Theo Bộ Công thương, 10 tháng qua, kim
ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt gần 106,1 tỷ USD,
chiếm 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 17,6% so cùng kỳ
năm trước. Điều đó cho thấy, xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp
(SPCN) đóng vai trò quan trọng duy trì tính bền vững cho xuất khẩu cả
nước.
Năm 2015 là năm có nhiều khó khăn cho
hoạt động xuất khẩu. Những khó khăn khách quan của thị trường và những
hạn chế nội tại khiến xuất khẩu vẫn thiếu sự bền vững. Hiện nay, dù một
số ngành công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh nhưng do tác động của thị
trường thế giới, sự chênh lệch cân đối cung cầu, sự sụt giảm kim ngạch
của mặt hàng dầu thô và nông sản khiến sự tăng trưởng đó khó bù đắp được
sự sụt giảm nói chung.
Việt Nam đã và đang ký kết các Hiệp
định Thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác, nhất là Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP)… mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng khiến
các DN xuất khẩu phải đối diện rào cản mới là những hàng rào phi thuế
quan các thị trường dựng lên. Hoạt động xuất khẩu chỉ tăng trưởng bền
vững khi có nền tảng sản xuất vững chắc; môi trường kinh tế-xã hội, kinh
doanh ổn định cũng như chính sách, cơ chế thông thoáng để hỗ trợ DN. DN
cũng cần có tinh thần vươn lên, khai phá, dấn thân vì hoạt động kinh
doanh, nắm bắt kịp thời các thông tin xuất khẩu, thị hiếu tiêu dùng,
chính sách nhập khẩu từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn mới có thể
phát triển bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, hiện có một số
yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu bền vững SPCN tại Việt Nam như: quá
trình toàn cầu hóa, tham gia FTA giúp mở rộng thị trường, có thêm nhiều
đối tác kinh doanh; tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế, Việt Nam
gia tăng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu; vốn FDI
tiếp tục đổ vào Việt Nam tạo thêm động lực tăng trưởng; quá trình chuyển
dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đang diễn ra mạnh mẽ cũng là
yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp nói chung và hoạt
động xuất khẩu SPCN nói riêng. Tuy nhiên, cùng với đó cũng là những khó
khăn, thách thức rất lớn đối với các DN xuất khẩu…
Để xuất khẩu SPCN tăng trưởng bền vững,
góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung, cũng như tổng thể nền
kinh tế, các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ,
tích cực với các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền về các FTA đã ký kết,
các lợi thế và khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này; nghiên cứu
đàm phán các FTA mới, nâng cao chất lượng hiệu quả đàm phán; quy hoạch
và có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; xác định các
mặt hàng chủ lực tạo điều kiện phát triển; tiếp tục nghiên cứu thực hiện
đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh
thông thoáng cho DN xuất khẩu.
Trước tình hình mới, các bộ, ngành,
cộng đồng DN phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong truyền thông,
trao đổi để tận dụng lợi thế, hạn chế khó khăn do các FTA đem lại. Bên
cạnh đó, các DN cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa loại hình
sản phẩm, đầu tư để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao,
nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu xây dựng quy trình quản lý phù
hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và chủ động nắm bắt cơ hội tham gia sâu
vào chuỗi kinh tế toàn cầu; chủ động nắm bắt chặt mọi diễn biến, tình
hình nhu cầu thị trường, chính sách quản lý nhập khẩu của các nước để
tránh những thiệt hại do phòng vệ thương mại; sử dụng hiệu quả nguồn
tiền ngân sách thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
|