Hoạt động XNK cả nước tính hết tháng 7 đang đạt tốc độ tăng trưởng cao 21,1% so với cùng kỳ 2016.
Trong đó, lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 47,21 tỷ USD, chiếm 20,3%; Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt hơn 34,04 tỷ USD, chiếm 14,6%; Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch 28,86 tỷ USD, chiếm 12,4%.
Các vị trí tiếp theo là thị trường EU (gồm 28 nước) với 28,24 tỷ USD, chiếm 12,1%; thị trường ASEAN với kim ngạch hơn 27,94 tỷ USD, chiếm 12%.
Trong 5 đối tác thương mại kể trên, nước ta duy trì được thặng dư thương mại với Hoa Kỳ và EU với con số xuất siêu lần lượt là 18,021 tỷ USD và 14,565 tỷ USD.
Trong khi đó, với các bạn hàng lớn ở châu Á, Việt Nam đang phải chịu mức thâm hụt thương mại lớn. Trong đó, nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc là 18,573 tỷ USD; từ Trung Quốc là 15,973 tỷ USD; từ khối ASEAN thâm hụt 3,679 tỷ USD.
Ở lĩnh vực xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 23,44 tỷ USD. Trong khi đó thị trường EU đứng thứ 2 đạt kim ngạch 21,4 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 15,62 tỷ USD; thị trường ASEAN với kim ngạch 12,13 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4; Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 với kim ngạch hơn 9,42 tỷ USD.
Đối với hoạt động nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch 31,59 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc đang vững vàng ở vị trí thứ 2 với 26,31 tỷ USD; ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 với kim ngạch 15,81 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 4 đạt 9,116 tỷ USD; và thị trường Đài Loan giữ vị trí thứ 5 với 6,91 tỷ USD.
Theo báo Hải Quan Thái Bình