Ngày 16/9/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Kho vận Tân cảng đã tham gia Hội nghị và ký kết biên bản ghi nhớ giữa cơ quan Hải quan và Doanh nghiệp thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.
Ông Trần Quang Thảo - Giám đốc Công ty CP Kho vận Tân Cảng ( Hàng hai, thứ hai từ trái qua) tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ với Đại diện Cục Hải quan TP.HCM
Hội nghị đã giới thiệu các nội dung của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan – đơn vị chủ trì Hội nghị cho biết, mục tiêu của “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao).
Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích, đồng thời cũng cần phải có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật hải quan hiện nay (mức độ tuân thủ và đánh giá xếp hạng) nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ.
Đại diện USAID tại Việt Nam cho biết, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD, thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023) nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dự án làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn hóa các thủ tục hành chính, tăng cường sự phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Dự án hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam cải thiện môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi và tiếp tục khởi sắc, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các giải pháp quyết liệt linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch; trong đó “Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan” là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hàng năm. Chủ trương này cũng đã được quy định cụ thể tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, phù hợp với chiến lược phát triển Chính phủ số nói chung, phát triển Hải quan số nói riêng cũng như xu thế của thế giới (kiến nghị tại Khung tiêu chuẩn SAFE của WCO)./.
(Theo Dangcongsan.vn)